Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

BÀI HỌC CÓ GIÁ TRỊ

CÂY VÀ CÀNH
                                                                                  Nguyễn Bửu Đồng

                     
Cây-và-cành
 là một hình ảnh quen thuộc, chính xác để diễn tả tương quan giữa một tổ chức như gia đình, cộng đoàn giáo xứ, cộng đồng, quốc gia hay xã hội nói chung... và các thành viên kết hợp.Không có cây sẽ không có cành, nhưng cây không cành là cây khô, cây chết. Không có đoàn thể, tổ chức thì cũng không có đoàn viên kết nạp.Đoàn thể vắng bóng đoàn viên thì sớm muộn cũng sẽ tàn lụi, bị khai tử.Những đoàn thể ma, chỉ có tên trên giấy tờ, cũng có đoàn viên ma, ẩn ẩn hiện hiện, khi có khi không, tùy thời tùy lúc.
Thử dùng hình ảnh cây-và-cành để tìm hiểu liên hệ đích thực giữa cành và cây. Cành từ cây mà ra, phải bám chặt vào thân cây để sống, để vươn lên. Và từ cành, lá xanh sẽ nẩy nụ đâm chồi, nở hoa, kết trái. Chính nhựa sống từ gốc rễ, thân cây tạo ra chảy vào cành để nuôi sống nó. Tách rời khỏi thân cây là tách rời hẳn nguồn sống, cành sẽ khô héo, gãy vỡ, bị hất tung trong cơn gió lốc, rơi rớt ở một vùng đất xa lạ để rồi mục nát đi. Một cành làm sao dám từ chối rễ cây, thân cây, vỏ cây và những chồi non khác vì từ chối như thế là hủy diệt chính mình. Nhưng cành không phải là thành phần vô dụng chỉ biết bám vào thân cây để sống. Cây không cành là cây trơ trụi, khó đứng vững với bão táp phong ba.Cành lá là buồng phổi giúp thân cây hít thở khí trời để nguồn nhựa sống bên trong thân cây luôn luôn trào chảy không ngừng để cây khỏi phải chết khô. Nguồn nhựa sống đó cần thiết cho cành và cả cho cây nữa. Muốn cho cây chết chỉ cần tỉa sạch mọi cành nhánh lớn nhỏ của nó. Liên hệ giữa cây và cành là liên hệ tương thuộc, cả hai cần thiết cho nhau để sống còn. Cành cần cây mà cây cũng cần cành.
Có trường hợp cành phải lìa khỏi cây... để chết khô! Tự ý quyết định? Hẳn nhiên cành không có trí khôn để sử dụng quyền tự do lựa chọn trong trường hợp này. Cành lìa cây vì hai lý do: ngoại tại và nội tại. Một cơn gió mạnh thổi qua, cành yếu đuối không thể chống trả, không đủ sức bám vào thân cây, nhắm mắt để mặc cho luồng gió thổi bay. Hoặc cành đã bị mối bọ gặm nhấm bên trong, dòng nhựa nuôi sống cành đã bị ngăn chặn, hệ thống miễn nhiễm không còn hoạt động hữu hiệu khiến cành không còn đủ sức khỏe chống trả trước sự tấn công tới tắp của loài sâu bọ bên ngoài. Cũng có khi người làm vườn đã “lựa lọc” cắt cành đi để dành chỗ và nhựa sống cho “những cành khác” vươn mạnh lên.Nhưng khi chính thân cây không còn đủ nhựa sống để nuôi cành, hoặc vì người làm vườn chễnh mãng, lười biếng, thiếu bổn phận chăm sóc, hoặc thân cây đã bị sâu bọ đánh phá từ gốc rễ... thì cành khô, chết dần là chuyện tự nhiên. Những yếu tố thiên nhiên gió mưa ngoại tại chỉ là những giọt nước làm tràn vì cành đã thật sự chết dù còn đang dính bám vào cây. Chỉ cần một luồng gió nhẹ thoảng qua, cành khô sẽ rơi rụng. Nó đã chết trước khi tách rời khỏi thân cây. Dù lý do nào đi nữa, nội tại hay ngoại tại, việc cành phải tách rời khỏi thân cây là việc chẳng-đặng-đừng, ngoài ý muốn của nó. Nói khác đi, khi cành phải rời cây, cành chỉ là một nạn nhân, không phải là thành phần chủ động. Không cành nào tự ý muốn lìa khỏi cây để chịu số phần làm mồi ngon cho lửa đốt.
Thử nghĩ tới một tổ chức như gia đình hay cộng đoàn, giáo xứ để hiểu thêm về tương quan giữa cây và cành…


Gia
 Đình


Khi đứa trẻ, sau những buổi đi học về, chỉ biết làm bạn với máy truyền hình, băng video/games hay tân tiến một chút, với internet, vì cả cha lẫn mẹ luôn vắng nhà, bận cớ phải đi làm thêm giờ phụ trội, kiếm thêm tiền để gia đình chi tiêu, những đứa trẻ không may mắn khi gần cha gần mẹ chỉ nghe mắng chưởi, la rầy, không một lời dạy dỗ yêu thương, không nhìn thấy được một hành động gương mẫu điển hình đáng để học hỏi, noi theo... thì nguồn nhựa sống từ thân cây gia đình đã khô cạn, không còn đủ nuôi sống chúng nữa. Dù còn có mặt trong gia đình, nhưng sự gắn bó không còn , nhựa sống yêu thương gia đình kết liền cha mẹ và con cái, anh chị em đã khô héo. Chỉ cần một lời mời gọi, hứa hẹn của đứa bạn cùng lứa là nó sẽ run away, đi hoang, lìa bỏ gia đình cha mẹ, anh em không luyến tiếc. Gia đình đã trở thành quán trọ chỉ để ăn, để ngủ, không còn là tổ ấm nuôi dưỡng thương yêu, là nơi để cha mẹ, con cái, anh chị em nương tựa, cảm thông, chia sẻ những vui buồn, thăng trầm của đời sống để cùng nhau trưởng thành, và thăng tiến. Cây không còn nhựa sống để nuôi dưỡng cành. Nó thật sự chết, chết trước cành. Nó không thể nào nở hoa thơm, kết trái ngọt được.





Giáo
 Đường
Giáo đường là nơi thờ phượng Thiên Chúa. Người tín hữu đến giáo đường để nghe giảng lời Chúa vì Lời là bánh hằng sống, ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời. Nhưng khi giáo đường trở thành chốn mua bán sau những buổi lễ, bài giảng pha lẫn với thông cáo, tin tức truyền hình, các chuyến hành hương và lời Chúa chỉ được nhắc cho có lệ... hay tệ hại hơn, lời Chúa được dùng để răn đe, mắng khéo những giáo dân không chịu xem chủ chiên như thánh sống bất khả ngộ với xác phàm, thì ý nghĩa thiêng liêng của giáo đường không còn nữa. Khi người tín hữu đến nhà thờ được nhìn bằng cặp mắt thanh lọc của các nhà đạo đức, những con chiên ngoan đạo, những Pha-ri-sêu tân thời, nhìn ai cũng thấy rối ren, tội lỗi vun tràn, chỉ có mình mới biết giữ đạo, thờ Chúa... thì giáo đường đã trở thành tòa án mà người xét xử đã quên luật Chúa: Mến Chúa, yêu người, và hãy yêu người như Chúa yêu mình.” (Yn 15:12)
  Giáo Xứ


Khi giáo xứ là bãi chiến trường tương tranh giữa phe phái, các chức vụ Hội Đồng Giáo Xứ được dùng làm mồi nhử để mời gọi, lôi kéo người về phe mình thì giáo xứ hết còn là nơi nuôi dưỡng yêu thương để Tin Mừng cứu độ của Chúa Ki-Tô sáng tỏa khắp nơi. Khi bữa ăn, giấc ngủ, giờ giải trí, của chủ chiên được xem trọng hơn phép Bí Tích Xức Dầu cho bệnh nhân hay các buổi cầu nguyện của giáo dân thì Chúa Ki-Tô bị người ta bán đi như Ju-đa đã bán Chúa hai ngàn năm trước để lấy ba mươi đồng bạc. Khi liên tục mời gọi gây quỹ để sửa sang, xây cất, làm cho nhà thờ mới hơn, to lớn hơn, nguy nga, lộng lẫy hơn để Chúa có nơi thờ phượng “xứng đáng,” để bảo tồn hay làm rạng danh văn hóa một sắc tộc thì người ta quên rằng hài nhi Giê-su đã ra đời trong máng cỏ hoang lạnh dành cho trừu bò hai ngàn năm trước, quên rằng không có nơi nào Chúa muốn ngự hơn lòng thành thánh thiện của mỗi người; và người ta đãbiến đức tin thành trang sức. Khi Chúa chỉ được thờ phượng bằng môi miệng, bài giảng hay kinh kệ… thì lòng mến Chúa yêu người đã khô cạn, thì Tin Mừng sẽ không được truyền đi khắp muôn phương như Lời Chúa đã truyền sai các môn đệ theo Người gần 2000 năm trước.


Ngôi Hai xuống thế làm người ở đất Do Thái, nhưng đạo Trời không là của riêng ai và lại càng không thể khoác cho Chúa Ki-Tô một màu áo sắc tộc Việt Nam. Khi đến nhà thờ, người giáo dân ước ao nhìn thấy nơi chủ chiên, người đại diện Chúa ở trần thế, những gương mẫu sống đạo điển hình xứng đáng với ơn cứu độ của Chúa Ki-Tô để noi theo như hèn mọn, khó nghèo, chân thật, khiêm cung, bác ái, quên mình để phục vụ... Những hình ảnh trái với điều mơ ước đó sẽ làm đức tin giao động, nhất là đối với các anh chị em tân tòng mới bắt đầu cuộc hành trình tìm biết Chúa. Cây không còn nhựa sống để nuôi dưỡng cành. Nó thật sự chết, chết trước cành. Nó không thể nào nở hoa thơm, kết trái ngọt được.

Thầy Là Cây Nho, Anh Em Là Cành…
Nhưng...có một cây không giống bất cứ loài cây hay tạo vật nào khác trong vũ trụ trời đất này ...
“Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có thầy anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Yn. 15:5-6).
Chúa là cây nho. Và chỉ CÂY NHO NÀY mới thật là suối nguồn bất tận của sự sống vĩnh hằng, hôm qua, hôm nay, ngày mai và mãi mãi“Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời” (Yn. 1:1). Thiên Chúa là đấng tự có, là nguyên nhân hiện hữu của mọi loài tạo vật trong đó có con người. Lời Chúa là bánh hằng sống. Từ những cát bụi giữa vũ trụ đất trời, Chúa đã tạo dựng nên con người. Và để chuộc tội, cứu rỗi thế gian, Chúa đã xuống thế làm người, chịu khổ hình đóng đinh chết trên thập giá. Còn tình yêu nào cao cả hơn, vĩ đại hơn tình yêu dám hy sinh mạng sống mình cho người yêu? Chúa là cây nho với khả năng sanh trái phong phú, vô tận vì Ngài đã phục sinh từ cõi chết. Cho nên kết hợp với CÂY NHO NÀY thì những cành nho, tức loài thụ tạo con người mới không sợ cạn nguồn nhựa sống, không sợ bị sâu bọ đánh phá, bão táp mưa sa.


Theo Chúa con người không sợ bị phản bội vì “Chúa là Đấng Chiên lành, Ta biết con chiên Ta và con chiên Ta biết Ta” (Yn. 10:14). Chúa không xem chúng ta là kẻ tôi đòi chỉ biết nhắm mắt vâng lời, chờ lệnh chủ để thi hành. “Thầy không gọi anh em là tôi tớ vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Thầy xem anh em là bạn hữu” (Yn. 15:15). Dù chúng ta tội lỗi thế nào, Chúa cũng dang tay mời gọi, đón nhận chúng ta trở về để kết hợp cùng Chúa như trong dụ ngôn đứa con phung phá (Lc. 15:11-20) và con chiên lạc (Mt. 18:12-14). Sự kết hợp khởi đầu qua bí tích rửa tội, được tiếp nối liên tục qua các bí tích khác, qua bánh hằng sống, và cung cách sống đạo trưởng thành thể hiện lòng mến Chúa bằng hành động yêu thương người đồng loại kém may mắn hơn mình, một sự kết hợp thân tình tuy hai mà một của hai người có cùng chung một dòng máu, một nhịp tim, một hơi thở đến độ không còn phân biệt được Chúa Giê-su và cá nhân mình như thánh Phao-lô đã cảm nghiệm: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống mà chính Chúa Ki-Tô sống trong tôi” (Galat. 2:20). Và chỉ ở mức độ đó sự kết hợp mới thật sự trọn vẹn, điều kiện cần thiết để sanh hoa thơm trái ngọt.

“Thầy là cây nho đích thực và Cha Thầy là người trồng nho”(Yn.15:1). Phải, Thầy là CÂY NHOmột cây nho toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ. Và chỉ mình Thầy mới thật sự là cây nho để chúng con kết hợp, nương tựa để có cuộc sống đời đời. Kết hợp với cây nho Thầy chúng con có tự do, có yêu thương, có sức sống, có chở che, có cơ hội,  khả năng để vươn mạnh lên... vì “không có Thầy chúng con không làm được gì.” Ngoài Thầy ra, tất cả loài thụ tạo với xác phàm ở thế trần chỉ là những vật mọn phàm hèn, bất toàn, bất túc, những cành nho phải sống bám chặt vào thân cây Thầy để sanh hoa trái ngọt ngào cho cuộc đời…
                              

2 nhận xét :

  1. [IMG]http://i1110.photobucket.com/albums/h444/El-Vi/cmqt_zps8fd9ecc2.jpg[/IMG]

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cám ơn Chị Gái sang thăm và tặng hình đẹp
      [img]http://www.commentsyard.com/graphics/thank-you/thank-you33.gif [/img]

      Xóa

Bạn có thể chèn hình ảnh vô khung comment mà không cần thẻ .Bạn chỉ cần coppy link của hình và dán vô rồi đăng lên là được (Lưu ý: Định dạng đuôi ảnh 'JPG','GIF','PNG','BMP')